Vì sao cước vận tải đường sắt cao hơn đường bộ?

Về nguyên tắc, đi bằng đường sắt rẻ hơn đường bộ, nhất là với hàng hóa đường dài thì lại càng phải thấp hơn, vì mỗi chuyến tàu có sức chứa bằng hàng chục chuyến xe tải. Thế nhưng, hiện nay cước vận tải đường sắt lại cao hơn hẳn so với cước vận tải đường bộ. Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này là do thiếu kết nối các tuyến đường sắt với các điểm xuất phát cũng như đích đến của hàng hóa.
 

 
Ga Lào Cai là ga đầu mối nằm cách cửa khẩu sang Trung Quốc chưa đầy 1 km. Thế nhưng, hàng hóa đến đây vẫn phải mất ít nhất một ngày mới có thể xuất đi. Bởi, nhiều đoàn tàu của Việt Nam chưa chạy được trên đường sắt khổ lớn của Trung Quốc nên phải chờ tàu từ phía Trung Quốc sang để nhận hàng. Hàng hóa không đi bằng đường sắt phải trung chuyển ô tô qua cửa khẩu đường bộ. Điều này khiến cho mỗi tấn hàng đã phải đội thêm vài chục nghìn đồng chi phí.

Nếu như trước đây, những khu ga như Xuân Giao - Lào Cai, Việt Trì - Phú Thọ hay Hương Canh - Vĩnh Phúc là các điểm trung chuyển hàng hóa chính của các tỉnh Đông Bắc đi Hải Phòng và ngược lại. Đến nay, khối lượng đã giảm hơn một nửa.

Thiếu các đường sắt nhánh kết nối ga với các khu công nghiệp hay mỏ khoáng sản, hàng hóa đi đường sắt phải trung chuyển bằng ô tô đến ga, xếp lên tàu, rồi khi đến Hải Phòng lại tiếp tục dùng ô tô chở đến cảng. Điều này cũng làm phát sinh thêm chi phí bốc dỡ 2 đầu.

Khu vực Hải Phòng hiện chỉ có duy nhất cảng Hoàng Diệu là có đường sắt kết nối vào cảng. Năm 2016, 80 triệu tấn hàng hóa được đưa vào các cảng biển khu vự này, nhưng chỉ có 1 triệu tấn do đường sắt đảm nhận vận chuyển, trong đó, lượng hàng tạm nhập tái xuất từ cảng Hải Phòng đi Trung Quốc bằng đường sắt chỉ chiếm chưa tới 2%.
Tags:,

Các công ty thành viên